Hotline

(028) 3882 8382

Tài Khoản

Hướng dẫn kiểm tra hệ thống tiếp đất bằng máy đo điện trở đất

Để đảm bảo hệ thống tiếp đất hoạt động hiệu quả, việc kiểm tra định kỳ là rất cần thiết. Trong bài viết này, Imall sẽ hướng dẫn kiểm tra hệ thống tiếp đất bằng máy đo điện trở đất như thế nào là hiệu quả nhất nhé!

Hệ thống tiếp đất đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho các thiết bị điện và con người, giúp ngăn ngừa các sự cố như điện giật hoặc cháy nổ. Để đảm bảo hệ thống tiếp đất hoạt động hiệu quả, việc kiểm tra định kỳ là rất cần thiết. Trong bài viết này, Imall sẽ hướng dẫn kiểm tra hệ thống tiếp đất bằng máy đo điện trở đất như thế nào là hiệu quả nhất nhé!


Phương pháp tiếp đất (hay tiếp địa) là gì?

Tiếp đất, còn được biết đến với tên gọi tiếp địa, là một biện pháp quan trọng trong việc bảo vệ thiết bị điện khỏi sự cố rò rỉ điện. Đặc biệt trong những ngày mưa giông, khi hiện tượng sấm sét có thể gây ra các tai nạn như cháy nổ, hệ thống tiếp địa đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn điện rò rỉ từ mạch điện xuống đất, từ đó đảm bảo sự an toàn cho thiết bị cũng như người sử dụng.

Vai trò của hệ thống tiếp đất

Hệ thống tiếp địa giữ vai trò quan trọng trong việc vận hành. Tức là khi xảy ra hiện tượng cách điện của thiết bị bị hỏng, lúc này sẽ xuất hiện dòng điện ngắn mạch, dòng điện rò rỉ sẽ chạy qua phần vỏ thiết bị điện rồi đi theo dây dẫn xuống các điện cực và tản vào đất.

Hệ thống tiếp đất tốt sẽ đảm bảo an toàn cho con người khi làm việc ở gần những thiết bị có điện áp cao, giảm thiểu rủi ro tai nạn điện. Ngoài ra, còn giữ vai trò đảm bảo quá trình hoạt động bình thường của các thiết bị điện.

Đặc biệt, hệ thống tiếp đất chống sét còn có nhiệm vụ quan trọng trong việc ngăn ngừa ảnh hưởng của điện áp khí quyển từ sét đánh vào các trạm điện hoặc đánh lan truyền qua các đường dây vào trạm.

>> Xem thêm: Top 5 máy đo điện trở đất giá rẻ nhưng chất lượng cao


Làm cách nào để giảm điện trở nối đất

Bốn yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến điện trở của một hệ thống tiếp địa gồm: chiều dài (độ sâu) của các điện cực, đường kính cọc nối đất, số lượng cọc nối đất, và cách thiết kế hệ thống. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn về từng yếu tố này và cách chúng ảnh hưởng đến khả năng dẫn điện.

1. Chiều sâu của các cọc điện cực

Một trong những cách đơn giản và hiệu quả để giảm nguy hiểm là đảm bảo các cọc nối đất được cắm sâu vào lòng đất. Việc cắm sâu các cọc giúp điện được truyền xuống đất sâu hơn, giảm thiểu rủi ro. Hơn nữa, khi cọc được cắm sâu, điện trở sẽ thấp hơn vì đất ở tầng sâu có độ ổn định và điện trở suất tốt hơn, so với lớp đất gần mặt đất.

Việc tăng chiều dài của cọc có thể giảm điện trở lên đến 40%. Tuy nhiên, phương pháp này có thể gặp khó khăn ở những khu vực có đá cứng. Trong trường hợp này, bạn có thể tham khảo các phương án thay thế như sử dụng cột xi măng hoặc các kỹ thuật nối đất khác.

2. Đường kính cọc nối đất

Mặc dù việc tăng đường kính của cọc có thể giảm điện trở, nhưng phương pháp này không phải lúc nào cũng hiệu quả. Để giảm được 10% điện trở, bạn sẽ cần phải tăng đường kính cọc lên gấp đôi, điều này đòi hỏi một chi phí lớn mà chỉ mang lại sự giảm thiểu điện trở không đáng kể.

3. Số lượng cọc nối đất

Một cách khác để giảm điện trở là tăng số lượng cọc nối đất. Việc sử dụng nhiều cọc điện cực được cắm xuống đất và kết nối song song sẽ giúp phân tán dòng điện, từ đó giảm điện trở. Tuy nhiên, các cọc phải được đặt cách nhau ít nhất một khoảng bằng chiều sâu của mỗi cọc để đảm bảo hiệu quả tối ưu.

4. Thiết kế hệ thống nối đất

Hệ thống nối đất đơn giản chỉ gồm một cọc nối đất duy nhất. Đây là phương pháp nối đất phổ biến nhất. Tuy nhiên, những hệ thống nối đất phức tạp hơn sẽ bao gồm nhiều cọc nối đất kết nối với nhau theo dạng lưới, tấm mặt đất hoặc vòng trên mặt đất.

Các hệ thống nối đất phức tạp này thường được sử dụng ở những địa điểm quan trọng như trạm phát điện, văn phòng trung tâm, hoặc các tháp viễn thông. Những mạng lưới nối đất phức tạp này sẽ tăng diện tích tiếp xúc với đất, giúp giảm đáng kể điện trở và nâng cao hiệu quả của hệ thống.


Một số cách đo điện trở tiếp địa phổ biến hiện nay

Đo điện trở tiếp địa là bước quan trọng để đảm bảo an toàn và hiệu quả cho các hệ thống chống sét và nối đất. Dưới đây là những cách kiểm tra hệ thống tiếp đất bằng máy đo điện trở đất phổ biến nhất hiện nay:

1. Phương pháp điện áp rơi 3 cực

Đây là một trong những phương pháp đo điện trở tiếp địa được sử dụng rộng rãi nhờ tính an toàn và hiệu quả cao. Nguyên lý hoạt động của phương pháp này là bơm dòng điện qua mạch gồm: đồng hồ đo – cọc nối đất – điện cực dòng – đồng hồ đo.

  • Khoảng cách giữa các điện cực: Điện cực dòng phải đặt cách cọc nối đất tối thiểu 10 lần chiều dài của cọc tiếp địa. Thông thường, khoảng cách này là 40m để đảm bảo độ chính xác.
  • Điện áp trong đất: Điện áp được cắm vào vùng đất có điện thế bằng 0, nằm giữa điện cực dòng và cọc nối đất.
  • Kiểm tra kết quả: Nên thực hiện ba phép đo tại các vị trí cách cọc nối đất khoảng 6m. Nếu cả ba kết quả giống nhau, vị trí các điện cực áp đã được xác định chính xác.

2. Phương pháp đo điện trở tiếp đất 4 cực

Phương pháp này phù hợp với các hệ thống nối đất liên hợp, nối đất riêng lẻ hoặc các hệ thống được kết nối ngầm. Khi thực hiện, cần cô lập từng hệ thống bằng kìm đo điện trở.

  • Bố trí điện cực: Các điện cực áp và điện cực dòng được sắp xếp tương tự như phương pháp 3 cực. Tuy nhiên, dòng điện trong phương pháp này được đo bởi kìm cố định trên cọc nối đất.
  • Tính toán: Đồng hồ đo sẽ tự động tính toán điện trở dựa trên giá trị dòng điện chạy qua hệ thống cọc nối đất.

3. Phương pháp đo bằng hai kìm

Phương pháp này được áp dụng cho các hệ thống tiếp địa liên hợp nhưng không có kết nối ngầm.

  • Mục đích: Dẫn dòng xung sét xuống đất, đảm bảo phần gần với điểm thu sét nhất có khả năng thoát dòng sét hiệu quả.
  • Ưu điểm và hạn chế: Phương pháp này duy trì được khả năng bảo vệ cơ bản tốt nhưng khả năng chống sét cao không được đảm bảo.

4. Phương pháp xung – đo điện trở tiếp địa hiệu quả

Phương pháp xung thường được áp dụng để đo điện trở tiếp địa của các cột điện cao thế, có khả năng đánh giá trở kháng đất của toàn bộ hệ thống khung sắt và móng trụ.

  • Ưu điểm: Không cần ngắt điện của đường dây cao thế, giúp quá trình đo không ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống.
  • Ứng dụng: Phù hợp để kiểm tra độ an toàn của các trụ cột cao thế, đặc biệt trong các điều kiện yêu cầu chính xác cao.


Cách đo điện trở tiếp địa chống sét bằng máy đo điện trở

Đo điện trở tiếp địa chống sét là một bước quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho hệ thống chống sét. Phương pháp này được thực hiện đơn giản và chính xác qua quy trình 4 bước dưới đây:

Bước 1: Kiểm tra điện áp pin

Đầu tiên, khởi động công tắc của máy đo điện trở đến vị trí “BATT.CHECK”. Sau đó, nhấn nút “PRESS TO TEST” để kiểm tra trạng thái pin.

  • Nếu màn hình hiển thị thông báo (-) (+), pin đã hết điện và kết quả đo sẽ không chính xác.
  • Đảm bảo kim đồng hồ ở vị trí “BATT.GOOD” để máy hoạt động hiệu quả nhất.

Bước 2: Nối đầu nối của các dây nối

Các thao tác cần thực hiện như sau:

  • Cắm lần lượt 2 cọc bổ trợ: cọc thứ 1 cách điểm đo 5 – 10m, cọc thứ 2 cách cọc thứ 1 khoảng 5 – 10m.
  • Dây màu xanh (Green) kẹp vào điểm đo với chiều dài 5m.
  • Dây màu vàng (Yellow) dài 10m và dây màu đỏ (Red) dài 20m, kẹp lần lượt vào cọc 1 và cọc 2 sao cho tương ứng với chiều dài của dây.

Bước 3: Đo điện áp của đất

Bật công tắc đến vị trí “EARTH VOLTAGE”, sau đó nhấn nút “PRESS TO TEST” để kiểm tra điện áp của đất. Để kết quả đo chính xác thì điện áp của đất không được lớn hơn 10V.

Bước 4: Bắt đầu đo điện trở tiếp địa

Trước tiên, bật công tắc mạch đồng hồ đo điện trở đất về thang đo x100Ω. Kết hợp nhấn giữ và xoay phím “PRESS TO TEST”. Nếu thấy đồng hồ chớp nháy liên tục thì khả năng cao các que đo hoặc cọc đất chưa được tiếp xúc đất tốt. Lúc này, đổ thêm nước vào cọc đất. Bật công tắc chuyển mạch đồng hồ đo điện trở tiếp đất về vị trí thang đo x10Ω hoặc x1Ω.
Tiếp tục thực hiện nhấn giữ và xoay phím “PRESS TO TEST”, kiểm tra giá trị hiển thị trên đồng hồ. Kết quả đo dưới <10Ω hoặc thấp hơn tùy thuộc vào từng công trình khác nhau.

Việc kiểm tra hệ thống tiếp đất bằng máy đo điện trở đất là một bước quan trọng giúp đảm bảo an toàn điện cho các công trình và thiết bị. Hy vọng với hướng dẫn kiểm tra hệ thống tiếp đất bằng máy đo điện trở đất bạn đã nắm được các bước cơ bản để thực hiện đúng. Điều này không chỉ bảo vệ an toàn cho người sử dụng mà còn giúp các hệ thống điện hoạt động ổn định, bền lâu.


Bình luận

Top